Xét về biểu hình, rồng Khmer có một phong cách khác biệt so với hình tượng rồng của các dân tộc
chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Dựa trên các bức vẽ hoặc các tác phẩm điêu khắc, người ta thấy rồng Khmer thường có một đầu, ba đầu, năm đầu, bảy đầu hoặc chín đầu, đôi khi rồng được biểu hiện với những cặp mắt rất lạ, hoặc những chiếc vẩy khác thường, thậm chí có cả chân, mặc dù trên thực tế rồng Khmer hoàn toàn giống rắn, không hề có chân. Người Khmer tin rằng, rồng là loài có sức mạnh thiêng, nhiều quyền năng, có thể biến hóa thành người hoặc những hình tượng khác nếu muốn, chẳng hạn nửa người, nửa rồng.Một câu chuyện dân gian thường được nhiều người kể rằng, ngày xưa có một con rồng, vì có duyên với Phật Pháp, nên rất muốn được đi tu. Tuy nhiên, luật đạo không cho phép các loài súc sinh tu, do đó rồng đã tự biến mình thành người và được vào chùa tu. Một hôm nhân lúc nghỉ trưa, vô tình “vị sư rồng” hiện nguyên hình của rồng. Bị phát giác, đức Phật đã cấm không cho “vị sư rồng” tiếp tục tu nửa. Rồng đành ngậm ngùi chấp nhận, nhưng đã cầu xin đức Phật rằng, từ nay trở đi bất kỳ ai đi tu, nên gọi người đó là Neak (trước khi thực hiện lễ nghi mặc cà sa để thành Chư Tăng), nhằm an ủi phần nào về sự không toại nguyện của rồng.
Có thể nói, rồng Khmer có nhiều tên gọi khác nhau. Việc đặt tên cho các con rồng phần lớn dựa trên số đầu của nó và cơ bản là những chiếc đầu lẻ, vì người Khmer cũng như các tộc người khác ở khu vực Đông Nam Á luôn coi số lẻ là số dương, biểu tượng của sự sinh sôi phát triển và không bao giờ chết. Mỗi loại rồng này đều có vai trò, vị trí khác nhau trong đời sống tâm linh tín ngưỡng, đặc biệt trong Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Cụ thể các tên gọi như sau:
1. Rồng một đầu:
Là loài rồng được hình thành từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và chỉ sống ở cõi tiên. Theo truyền thống, thì rồng một đầu thường được các nghệ nhân Khmer đặt trên nóc của các công trình tôn giáo (chùa, đền, đài), hoặc cung điện hoàng gia hoặc là nơi ngự của các thiên thần (A-ti-tếp), gần đây người ta thấy rồng một đầu còn được thể hiện trên các hiện vật là đồ dùng vật dụng trong sinh hoạt thường ngày.
Rồng một đầu chính là rồng Sê-să, một biểu tượng của “sự còn lại” (tàn dư) của mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ sau khi đã bị hủy diệt. Đó cũng là biểu tượng của chiến thắng, của hạnh phúc. Trong quan niệm dân gian, thì người Khmer cho rằng rồng một đầu chính là biểu tượng cho tổ mẫu của dân tộc mình.
2. Rồng ba đầu:
Neak Kol-lă-pă, có nguồn gốc được sinh ra ở khoảng giữa của cõi Thiên và cõi Người (trần gian). Sống ở đáy biển. Đây là loài rồng gắn liền với đạo Bà-la-môn, rồng ba đầu thường tượng trưng cho “Tam vị nhất thể” của các vị thần tối thượng Bà-la-môn. Đầu ở giữa tượng trưng cho thần Ây-sô (Si-va), bên phải là vị thần Prum (Brahma), bên trái là thần Nea-reay (Vi-snu). Đồng thời rồng ba đầu cũng được tượng trưng cho cõi giữa, tức cõi người – dương gian. Song, cũng trong Bà-la-môn giáo, đặc biệt trong truyền thuyết Maha Phea-ra-tă, thì rồng ba đầu lại là biểu tượng của cái xấu xa. Còn trong đạo Phật, người Khmer lại quan niệm khác về rồng ba đầu, đó là sự tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Phật, Pháp, Tăng). Đầu ở giữa tượng trưng cho Phật Thích-ca, bên phải đại diện cho Pháp và bên trái tượng trưng cho Tăng. Ngoài ra, trong dân gian người Khmer còn coi rồng ba đầu là biểu tượng của sự ràng buộc trong mối quan hệ chồng, vợ và con cái.3. Rồng năm đầu:
Neak Ă-non-tă, tương tự như rồng một đầu, được sinh ra từ những hạt bụi của vũ trụ, trường tồn mãi mãi và cũng chỉ sống ở cõi tiên. Rồng năm đầu được xem như chiếc giường ngủ của thần Vi-snu trong vũ trụ mênh mông. Trong đạo Bà-la-môn, rồng năm đầu là biểu tượng của ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và phương trung tâm, tức phương của cõi lành). Năm phương này cũng chính là phương của các con sông thiêng, tất nhiên trong đó có sông Hằng – Kong-kia.
Ở đạo Phật, thì rồng năm đầu tượng trưng cho năm vị Phật trong thế gian. Ngoài ra nó còn là biểu tượng của Ngũ giới (không trộm cắp, không sát sanh, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Hoặc là biểu tượng của thân, xúc, tuệ, vật chất và tâm.
4. Rồng bảy đầu:
Thường có tên gọi là Neak Meach-chă-linh. Ra đời từ đáy giếng Hê-ranh-nhes , là loài luôn đem lại nguồn sống hạnh phúc cho con người, che chở con người khỏi bị ngập úng trong biển nước khi bị lũ lụt. Đặc biệt chính loài Neak Mach-chă-linh này đã cuộn mình thành bệ ngồi và dùng đầu làm thành “chiếc ô” che cho đức Phật khi Ngài tọa thiền. Vì thế rồng bảy đầu được coi như một hộ pháp đắc lực của đức Phật Thích-ca Mâu Ni. Mặt khác cả trong quan niệm của Bà-la-môn, cũng như Phật giáo đều cho rằng, rồng bảy đầu là biểu tượng của bảy tinh tú trong thái dương hệ, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến cuộc sống của con người. Để ghi nhớ, có cách ứng xử đúng mực với các tinh tú này, người Khmer đã lấy tên của nó để đặt tên cho bảy ngày trong tuần, đó là: A-tít (mặt trời) tương ứng Chủ Nhật, Chăn (Mặt trăng) tương ứng Thứ Hai, Ang-kea (Sao Hỏa) Thứ Ba, Púth (Sao Thủy) Thứ Tư, Prô-hos (Sao Mộc) Thứ Năm, Sóc (Sao Kim) Thứ Sáu và Său (Sao Thổ) Thứ Bảy.
Đó cũng là sự tượng trưng cho bảy vị thần cai quản bảy đại dương, bảy núi ngọc lớn trong vũ trụ.
5. Rồng chín đầu:
Neak Va-so-ky, là loài rồng của cõi trên, của thần linh. Là biểu tượng của quyền năng, sức mạnh thiêng và sự trường tồn của vũ trụ, là sự tượng trưng cho thế giới cực lạc. Đó là sức mạnh của tia chớp ở hướng Đông, sức mạnh của những điệu múa thiêng ở hướng Tây, quyền năng tối thượng của Luật trời ở hướng Nam, sức mạnh của của cải vật chất và cái đẹp ở hướng Bắc, Sức mạnh của lửa ở hướng Đông Nam, sức mạnh của sự hủy diệt bởi lửa (sự đốt cháy, thiêu rụi mọi vật) ở hướng Đông Bắc, quyền lực của thế giới ma quỷ ở hướng Tây Nam, sức mạnh của gió ở hướng Tây Bắc và một thứ sức mạnh, quyền lực của đấng cai quản, bảo vệ muôn loài ở hướng trung tâm. Với ý nghĩa và sức mạnh đó, nên trong truyền thuyết của Bà-la-môn giáo, rồng chín đầu đã được các Chư Thiên sử dụng như “sợi dây thừng” quấn quanh ngọn núi thiêng “Sumêuru” - biểu tượng của trục vũ trụ để khuấy biển sữa.
Tags:
Sưu tầm
This comment has been removed by the author.
ReplyDelete